FANPAGE Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định https://www.facebook.com/cdvhntdlnd

Đổi mới thực hành nghề nghiệp chuyên ngành Thanh nhạc

Thứ bảy - 01/07/2017 03:39
Trong định hướng chiến lược đến năm 2020, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định sẽ trở thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao các chuyên ngành Thanh nhạc, Organ, Sư phạm âm nhạc, Thư viện, Quản lý văn hóa, Du lịch, các loại hình nghệ thuật Sân khấu và Sư phạm Âm nhạc ; có đội ngũ giảng viên đạt tiêu chuẩn, uy tín, từng bước xã hội hóa, tự chủ về tài chính; là cơ sở đào tạo chất lượng cao trong các trường khu vực phía Nam đồng bằng Sông Hồng. Trong 50 năm xây dựng và phát triển, mục tiêu chiến lược này vừa là kỳ vọng, vừa là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn mà nhà trường cần nỗ lực đạt được. Đó là sứ mệnh, là đòi hỏi và vinh quang.
Sứ mệnh cao cả đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của toàn bộ cán bộ, sinh viên nhà trường trong việc tích cực, chủ động, đồng bộ đổi mới trên tất cả các phương diện, từ quản trị nhà trường cho đến quy trình, phương pháp đào tạo, nội dung chương trình và nề nếp dạy, học. Trong các lĩnh vực cần phải đổi mới, lĩnh vực chương trình đào tạo; phương pháp dạy, học cần được xác định là khâu then chốt, tạo bước chuyển biến đột phá có tác dụng thúc đẩy các lĩnh vực khác, qua đó từng bước xúc tiến sự phát triển của nhà trường.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung bàn luận về lý luận khoa học và thực tiễn của vấn đề đổi mới hoạt động thực hành nghề nghiệp trong đào tạo chuyên ngành thanh nhạc, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tầm nhìn, sứ mệnh của nhà trường trước những đỏi hỏi của thực tiễn.

1. Một số nền tảng lý thuyết cho việc đổi mới hoạt động thực hành nghề nghiệp chuyên ngành thanh nhạc.

Thực hành nghề nghiệp nói chung và thực hành nghề nghiệp trong chuyên ngành thanh nhạc nói riêng được hiểu là một khâu của quá trình đào tạo năng lực nghề nghiệp, trong đó dưới sự hướng dẫn của giảng viên (nếu là thực hành môn học, tại trường) hoặc các chuyên gia, nghệ nhân (nếu là thực hành khóa học, tại cơ sở) người học vận dụng các kiến thức lý thuyết, kỹ năng nghề đã được học vào giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn ở các cấp độ khác nhau nhằm mục đích nắm vững lý thuyết, thành thục kỹ năng, qua đó hình thành những phẩm chất, năng lực nghề nghiệp cần thiết, đạt chuẩn đầu ra theo quy trình đào tạo.

Thực hành nghề nghiệp có thể được thực hiện ở nhiều cấp độ, nhưng phổ biến nhất là ở cấp độ môn học và cấp độ kết thúc khóa học (thường được gọi là thực tập tốt nghiệp). Ở cấp độ môn học, giảng viên có thể thực hiện theo phương thức lồng ghép trong quá trình học (vừa dạy vừa thực hành) hoặc thực hiện cắt lát, chia làm hai phần rõ ràng (học xong lý thuyết thì học thực hành). Ở cấp độ thực tập nghề cuối khóa, sinh viên có thể thực tập toàn thời gian trong một khoảng thời gian nhất định tại các cơ sở thực hành.
Như vậy, việc thực hành nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành năng lực nghề nghiệp. Nói cách khác, nếu thực hành không đúng phương pháp, không đủ thời gian thì năng lực nghề nghiệp không thể được hình thành, chuẩn đầu ra không thể được đảm bảo. Trong lý luận khoa học và khoa học sư phạm, các tư tưởng, nghiên cứu về vấn đề thực hành trong đào tạo đã được khẳng định từ lâu. Có thể khái quát các tư tưởng, nghiên cứu trong các luận điểm lý thuyết nền tảng sau:

1.1. Thực hành nghề nghiệp là con đường trải nghiệm  hoạt động nghề nghiệp, qua đó người học lĩnh hội được tri thức, kỹ năng bền vững.

Hơn 2000 năm trước, Khổng Tử (551 - 479 TCN) khẳng định: “Những gì tôi nghe, tôi sẽ quên; những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ; những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu”. Ở phương Tây, nhà triết học Hy Lạp – Xôcrát (470-399 TCN) cũng nêu lên quan điểm tương tự: “Người ta phải học bằng cách làm một việc gì đó. Với những điều bạn nghĩ là mình biết, bạn sẽ thấy không chắc chắn cho đến khi làm nó”. Những tư tưởng này đều khẳng định việc lĩnh hội tri thức, kỹ năng trong học tập phải từ “trải nghiệm” và “làm” (thực hành).
Các Mác (1818 - 1883) và F.Anghen (1820 - 1895) cũng xác định giáo dục, đào tạo phải theo "phương thức giáo dục kết hợp với lao động sản xuất". Sau này, V.I. Lênin (1870 - 1924) coi là một trong những nguyên tắc của giáo dục XHCN là giáo dục phải thông qua việc làm, lao động cụ thể [1].

Từ giữa thế kỉ XX, nhà giáo dục Mĩ, John Dewey, trong tác phẩm “Kinh nghiệm và Giáo dục” (Experience and Education) đã chỉ ra rằng, những kinh nghiệm (trải nghiệm) có ý nghĩa giáo dục, giúp nâng cao hiệu quả giáo dục bằng cách kết nối người học và những kiến thức được học với thực tiễn [2]. Kolb (1984) cũng đưa ra một lí thuyết về học từ trải nghiệm (thực hành) (Experiential learning), theo đó, học là một quá trình trong đó kiến thức của người học được tạo ra qua việc chuyển hóa kinh nghiệm của những lần thao tác, thực hành cụ thể.

Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ phương pháp để đào tạo nên những người tài đức là: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Bác đã từng nói: "Một chương trình nhỏ mà được thực hành hẳn hoi còn hơn một trăm chương trình lớn mà không làm được" [3]. 

Tác giả Đinh Thị Kim Thoa đã phân tích hoạt động thực hành dưới phương thức động trải nghiệm đã chỉ ra bản chất khoa học của việc giáo dục và đào tạo là phải cho người học được “trải nghiệm”, phải được thực hành 8; tác giả Nguyễn Thị Thu Hoài cho rằng, việc đào tạo, giáo dục chỉ có thể phát huy năng lực người học khi nó được thực hiện trong môi trường thực hành cụ thể. 

Như vậy, trên thế giới và cả ở Việt Nam, nhiều tư tưởng, công trình nghiên cứu đã khẳng định nền tảng lý luận vững chắc – năng lực nghề nghiệp chỉ có thể được hình thành thông qua con đường học gắn liền với hành; học tập lý thuyết gắn liền với thực hành nghề nghiệp. Trong lĩnh vực thanh nhạc, việc thực hành lại đặc biệt quan trọng khi lĩnh vực này đòi hỏi người học phải có những kỹ năng thực hành cụ thể trong các mối quan hệ tương tác giữa con người với con người. Học thanh nhạc, sau khi ra trường người học không có được các kỹ năng thực tiễn, không “hành nghề” thành thạo thì coi như thất bại. Muốn có được điều đó, sinh viên cần phải được thực hành từ ngay trong trường, trong suốt quá trình đào tạo.

1.2. Phẩm chất và năng lực nghề nghiệp của người học chỉ có thể được hình thành theo con đường thực hành (theo cơ chế chuyển vào trong) và được điều chỉnh lại theo cơ chế bộc lộ (theo cơ chế chuyển ra ngoài) thông qua các hoạt động thực hành nghề nghiệp.

Các nhà tâm lý học xô viết như A.N. Leonchiev, L.X. Vugotxky, X.L. Rubistein; P.Ia. Galperil trong các nghiên cứu kinh điển đã khẳng định, năng lực và phẩm chất nghề nghiệp của con người chỉ có thể được hình thành thông qua con đường hoạt động thực tiễn. Cũng thông qua hoạt động thực tiễn, năng lực, phẩm chất nghề nghiệp được bộc lộ, được điều chỉnh, hoàn thiện [7]. Đối với lĩnh vực thanh nhạc, động cơ nghề nghiệp, hứng thú nghề có ý nghĩa quan trọng không kém so với kỹ năng nghề. Những phẩm chất mang tính đặc trưng này của người học chỉ có thể được bộc lộ, hình thành, điều chỉnh và củng cố thông qua hoạt động thực tiễn, hoạt động nghề nghiệp. Về vấn đề này, tác giả Hoàng Trung Học trong các nghiên cứu của mình đã khẳng định: các phẩm chất nghề nghiệp và định hướng nghề được hình thành trước khi chọn nghề, được củng cố trong giai đoạn học nghề và tiếp tục được điều chỉnh trong giai đoạn hành nghề (sau khi tốt nghiệp). Tuy nhiên, kỹ năng nghề, động cơ nghề, định hướng nghề về cơ bản được hình thành trong giai đoạn đào tạo nghề trong đó các hoạt động thực hành nghề và quá trình đào tạo giữ vai trò quyết định [4;5;6].
Như vậy, các công trình khoa học trên nhiều lĩnh vực đều khẳng định, xu hướng, động cơ, hứng thú, năng lực nghề chỉ có thể được hình thành và bộc lộ, điều chỉnh thông qua thực hành nghề nghiệp.

1.3.Yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Với những bất cập của nền giáo dục Việt Nam, xuất phát từ cơ sở khoa học của tâm lý học, giáo dục học, Đảng và Nhà nước đã đưa ra yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, nhằm chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Có thể thấy rõ tư tưởng đổi mới trong các văn bản:
(1) Nghị quyết số 29-NQ/TW của ban chấp hành Trung Ương Đảng về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
(2) Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020”.
Đây là những tư tưởng, quan điểm nền tảng cho quá trình đổi mới giáo dục, trong đó có những đổi mới trong một lĩnh vực đào tạo đặc thù như lĩnh vực nghệ thuật và đào tạo thanh nhạc. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Bản chất của đổi mới giáo dục là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Như vậy, trong những định hướng mang tính chỉ đạo của nền giáo dục nước nhà, lĩnh vực đào tạo chuyên ngành thanh nhạc cần đặc biệt lưu tâm hai luận điểm căn bản: (1) chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Điều này đòi hỏi quá trình đào tạo cần giảm lược dạy lý thuyết, tăng cường thực hành vì chỉ có thông qua thực hành nghề mới hình thành được năng lực nghề. (2) Học phải gắn liền với hành. Điều này yêu cầu quá trình đào tạo phải chú trọng đến thực hành nghề. Học lý thuyết thông qua các hoạt động và cũng chỉ thông qua các hoạt động thực hành người học mới có thể nhuần nhuyễn kỹ năng nghề.
Tóm lại, các tư tưởng và luận điểm lý thuyết và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà đều đặt ra đòi hỏi tất yếu của việc đổi mới, chỉ rõ phương hướng đổi mới. Lĩnh vực đào tạo thanh nhạc không thể đứng ngoài xu hướng, làm khác so với nhận thức khoa học. Hơn thế nữa, trong tương quan với những đặc thù của ngành học và tầm nhìn, sứ mệnh của nhà trường, những đổi mới trong hoạt động thực hành nghề nghiệp chuyên ngành thanh nhạc cần đi trước một bước, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ để tạo hiệu ứng lan tỏa, đáp ứng những đòi hỏi của ngành và yêu cầu bức bách của thực tiễn cuộc sống.

2. Thực trạng một số vấn đề  thực hành nghề nghiệp trong đào tạo chuyên ngành thanh nhạc.

Trong 50 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đạt được những thành tựu rất lớn trong lĩnh vực đào tạo, trong đó có chuyên ngành thanh nhạc. Trong chương trình đào tạo dành cho chuyên ngành thanh nhạc, chuẩn đầu ra của sinh viên sau khi tốt nghiệp là: có những kiến thức cơ bản về âm nhạc và biểu diễn thanh nhạc; có kỹ năng hát, biểu diễn đơn ca, tốp ca; có những phẩm chất cần thiết của người nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật. Từ chuẩn đầu ra này, chương trình đào tạo và thực hành nghề nghiệp chuyên nghành thanh nhạc cũng được nhiều lần điều chỉnh theo hướng nâng cao tính thực hành nghề trong học tập, phát triển thêm một số kỹ năng thực hành biểu diễn hướng tới củng cố chất lượng đào tạo của nhà trường trong những giai đoạn mới.
Để đạt được chuẩn đầu ra, chương trình chi tiết môn học thanh nhạc được thiết kế theo từng kỳ, mỗi học kỳ sinh viên được học 30 tiết. Trong quá trình đào tạo, sinh viên được học dưới sự hướng dẫn của giảng viên, thực hành các kỹ thuật trên lớp, luyện tập các tác phẩm thanh nhạc, áp dụng kỹ thuật đã học vào tác phẩm thanh nhạc cụ thể. Kết thúc môn học, sinh viên trả bài theo hình thức cá nhân tại lớp học.
Cần khẳng định lại một lần nữa, trong suốt lịch sử 50 năm xây dựng và phát triển, những thành tựu trong lĩnh vực đào tạo chuyên ngành thanh nhạc của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định là không thể phủ định. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi mới của thực tiễn, quá trình thực hành nghề nghiệp trong đào tạo thanh nhạc đang vấp phải một số vấn đề cần được nhận thức đầy đủ và điều chỉnh phù hợp. 

2.1 . Chất lượng tuyển sinh đầu vào:

Trong những năm học gần đây, do tình hình chung về công tác tuyển sinh trong giáo dục đào tạo nói chung và trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật nói riêng gặp rất nhiều khó khăn ,số lượng học sinh ít, hạn chế về chất lượng, một bộ phận không nhỏ học sinh vào trường năng khiếu hạn chế, chất lượng không đồng đều, năng lực về giọng hát chưa đạt được như chuẩn yêu cầu. Chính vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chuẩn đầu ra của sinh viên.

2.2. Chương trình giảng dạy:

Với số lượng giờ học hiện tại trong chương trình chuyên nghành thanh nhạc là 45 tiết/một học kỳ (3 học sinh/1 tiết ) là hạn chế cho một môn học chuyên nghành. Mỗi tuần học sinh chỉ được học tập với giáo viên một buổi, đối với học sinh khá giỏi việc tự học và trau dồi kiến thức cũng phải cố gắng rất nhiều, với học sinh có kiến thức trung bình về chuyên môn  việc tự học và hoàn thiện kỹ năng nghề cho môn học thực sự gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc tăng số lượng giờ học cho môn học là hết sưc cần thiết .

2.3. Số lượng giờ học thực hành nghề nghiệp:

Theo chương trình chi tiết môn học chuyên nghành thanh nhạc, thực hành nghề nghiệp không được gọi là môn học,vì vậy không có chương trình khung chi tiết  môn học, kết thúc học phần không đánh giá bằng điểm, giáo viên chỉ nhận xét, đánh giá chất lượng học sinh bằng ý thức và báo cáo thực hành nghề nghiệp. Cùng với đó là số lượng giờ học thực hành nghề nghiệp còn hạn chế, tổng số giờ học là 28 giờ/trên một học kỳ. Ngoài giờ học trên lớp, mỗi tuần học sinh và giáo viên có thêm một buổi học (5 giờ) để thực hành nghề nghiệp, vừa củng cố, luyện tập những kỹ thuật trên lớp, vừa nâng cao kỹ năng chuyên nghành và dàn dựng một chương trình nghệ thuật  để biểu diễn báo cáo. Với số lượng thời gian như trên không đủ để hoàn thiện được một kỹ năng nghề nghiệp như kỳ vọng. Ngoài ra với sự hạn chể của việc đánh giá kết quả học tập, không phát huy được tính tích cực, năng lực của từng học sinh. việc kiểm tra, vì đánh giá có một vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình đào tạo của nhà trường, kiểm tra đánh giá là (một chu trình khép kín) của một công việc. Có kiểm tra, đánh giá, tổng kết chất lượng mới biết được kết quả giảng dạy đạt ở mức độ nào, từ đó điều chỉnh, giảm bớt hay nâng cao chương  trình cho phù hợp.

2.4.Chất  lượng chuyên môn của chuyên nghành thanh nhạc:

Chất lượng chưa đạt được như mong muốn kỳ vọng. Khi so sánh với chuẩn đầu ra có thể nhận thấy, phần lớn sinh viên đã đạt được mức cơ bản trong chuẩn, có kiến thức cơ bản về trình độ âm nhạc, kỹ năng chuyên nghành thanh nhạc; hát đúng kỹ thuật các tác phẩm thanh  nhạc cơ bản. Tuy nhiên, do số lượng giờ học chính khóa còn hạn chế, thực hành nghề nghiệp chưa được chú trọng nên chất lượng đầu ra chưa được như kỳ vọng, đặc biệt trong xử lý và biểu diễn các tác phẩm âm nhạc phức tạp hoặc dàn dựng những chương trình quy mô.

2.5. Kỹ năng Thực hành nghề nghiệp:

Sinh viên sau khi tốt nghiệp đang thiếu hụt bản lĩnh và kỹ năng thực hành  biểu diễn. Nguyên nhân căn bản của thực trạng này là sinh viên đang thiếu những trải nghiệm biểu diễn trong thực hành nghề. Phần lớn các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong nhà trường chủ yếu các học sinh khá giỏi mới được tham gia, có những học sinh trong toàn  khóa học chưa từng được biểu diễn trên sân khấu. Hiện tại kết thúc học phần mỗi sinh viên kiểm tra, trả bài, thi tại lớp học với giáo viên của mình. Phân tích sâu vào quá trình đào tạo và thực hành chuyên ngành thanh nhạc có thể nhận thấy, với hình thức đào tạo, thi, trả bài trên lớp như hiện tại, sinh viên chưa được tiếp xúc nhiều với thực hành biểu diễn trên sân khấu  nên không được trải nghiệm cảm giác biểu diễn thực tế; không có môi trường rèn luyện sự tự tin và bản lĩnh trong hoạt động nghề nghiệp. Do đó, trong các hoạt động ngoại khóa hay các chương trình biểu diễn nghệ thuật, sinh viên thường thụ động, thiếu sáng tạo. 

2.6. Quy trình thực hành chuyên ngành thanh nhạc:

Chưa đảm bảo đúng chuẩn theo quy trình khoa học. Với những đặc trưng của việc dạy và học thanh nhạc, để việc lĩnh hội và hình thành kỹ năng diễn ra tích cực, cần tuân thủ theo hai nguyên tắc căn bản: (1) quy tắc chuyển vào trong – hình thành kỹ năng; (2) quy tắc bộc lộ, chuyển ra ngoài – điều chỉnh, củng cố kỹ năng.

Chính vì vậy, trong việc đào tạo thanh nhạc phải được thực hiện theo các bước căn bản sau: 1 – Học lý thuyết; 2 – Xem mẫu; 3 – Thực hành bộ phận ( hát bắt chước theo mẫu); 4 – Thực hành tổng thể (hát theo mẫu hoàn chỉnh, bước đầu sáng tạo); 5 – Phân tích kỹ thuật , điều chỉnh tổng thể; 6 – Thực hành tổng thể, hoàn thiện tác phẩm thanh nhạc.

Nhìn lại thực trạng việc học chuyên nghành thanh nhạc trên lớp vẫn còn thiếu những bước cơ bản đó là thực hành nghề sau khi tác phẩm được hoàn thiện . 

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải khi nào quy trình này cũng được tuân thủ. Những lỗi thường gặp là: tuần tự của quy trình bị đảo lộn; một hoặc một số bước trong quy trình bị bỏ qua; một bước nào đó không được chú trọng hoặc bị thực hiện không chính xác. Tất cả những lỗi này đều trở thành nguyên nhân trực tiếp hạn chế khả năng lĩnh hội của sinh viên khi học thanh nhạc.

3. Một số phương hướng đổi mới thực hành nghề nghiệp trong đào tạo chuyên ngành thanh nhạc.

Trên nền tảng lý thuyết khoa học và những vấn đề thực tiễn trong đào tạo thanh nhạc tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định, tác giả cho rằng, cần đổi mới thực hành nghề nghiệp chuyên ngành thanh nhạc theo những hướng sau:

3.1 .Về công tác tuyển sinh:

Cần chú trọng chất lượng đầu vào ngay tư công tác tuyển sinh ,chọn lựa những sinh viên có giọng hát triển vọng , có khả năng ký xướng âm , đặc biệt về thính giác , trí nhớ âm nhạc ...v..v..v tốt .

3.2. Về chương trình đào tạo:

+ Chỉnh lại chương trình chi tiết môn học theo hướng tăng thời lượng học chính khóa dành cho chuyên ngành thanh nhạc Thời lượng 45 tiết/1 kỳ (1 tiết 3 học sinh) tăng lên 60 tiết / 1 học kỳ. Với số lượng giờ thực học  như hiện nay là ít, khó có thể đạt được yêu cầu chuẩn đầu ra khá cao. 
+ Đưa học phần thực hành nghề nghiệp vào trong chương trình đào tạo chính khóa của nhà trương thành một môn học bắt buộc, có kiểm tra, đánh giá, thi kết thúc các học phần, học trình, có đánh giá cho điểm như các môn học khác. Định hướng đến thay đổi thực hành không có nghĩa là xem nhẹ của giảng dạy lý thuyết. Có nắm vững lý thuyết thì mới có thể thực hành nhuần nhuyễn. Thực hành nhiều sẽ củng cố lý thuyết. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy lý thuyết, giảng viên cần kết hợp tốt giữa dạy lý thuyết với thực hành bộ phận, tránh tình trạng “giảng chay”.

3.3 .Về số lượng giờ thực hành nghề nghiệp :

Bổ sung thêm giờ học thực hành nghề nghiệp với số lượng là  28 giờ /một  kỳ - tăng lên 45 tiết/1 kỳ. Ngoài những giờ học trên lớp, mỗi tuần cả giảng viên và sinh viên có thêm 2 buổi học để thực hành nghề nghiệp. Trong những buổi học này, sinh viên được giảng viên hướng dẫn ôn luyện, củng cố lại những phần kiến thức đã học trên lớp để áp dụng lý thuyết vào thực hành các tác phẩm thanh nhạc cụ thể. Ngoài  những tác phẩm thanh nhạc trên lớp sinh viên còn được làm quen và luyện tập các tác phẩm thanh nhạc nâng cao  phong phú về hình thức và thể loại  như: Hát đơn ca có thêm phần bè đệm, song ca, tốp ca, hợp xướng kết hợp với  thực hành biểu diễn.

3.4. Về đổi mới hình thức báo cáo thực hành  nghề nghiệp cho sinh viên:

Tăng cường  số lượng các chương trình  thực hành biểu diễn nghệ thuật thực tế giúp sinh viên có được nhiều sự trải nghiệm, được thực hành nhiều hơn, thay việc thi và trả bài trên lớp với giáo viên thì nay sinh viên được luyện tập một chương trình âm nhạc cụ thể với nội dung phong phú với nhiều thể loại khác nhau  với hình thức báo cáo trả bài biểu diền trên sân khấu, có sự kết hợp của âm nhạc có phần đêm piano, hoặc nhạc beat, âm thanh, ánh sáng, trang phục và đạo cụ. Buổi báo cáo thực hành nghề nghiệp diễn ra long trọng, có sự   tổng kết đánh giá, sự có mặt của  ban giám hiệu ,  các thày cô trong khoa và  đặc biệt là sự có mặt của tất cả giáo viên, sinh viên  trong trường  đến dự. Điều đó góp phần kích thích, tạo động lực  cho sinh viên hoàn thiện phần thi của minh một cách hoàn thiện nhất. Hình thức báo cáo thực tế có vai trò quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng thực hành biểu diễn trên sân khấu, giúp sinh viên trải nghiệm trực tiếp trong hoạt động nghề nghiệp. Cần nhấn mạnh rằng, những trải nghiệm thực tế, cụ thể trong các chương trình biểu diễn của các báo cáo năm học có ý nghĩa đặc biệt trong việc hình thành bản lĩnh của người nghệ sĩ, đào luyện phẩm chất và năng lực nghề nghiệp. 

3.5. Về đổi mới chương trình báo cáo  thực hành nghề nghiệp theo một quy trình cụ thể như sau:

Hướng tới sự đa dạng hóa trong thể loại, chặt chẽ về quy trình thực hiện. Cụ thể chương trình báo cáo thực hành nghề nghiệp  sau khi kết thúc học phần cần được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chọn bài - Giảng viên chú ý định hướng, chọn bài phù hợp, đảm bảo những nguyên tắc của sư phạm thanh nhạc đa dạng, bao quát được nội dung của chương trình đào tạo. Chọn bài để luyện tập phải đi từ dễ đến khó, từ nhỏ tới lớn,từ đơn giản tới phức tạp,từ thấp tới cao, từ chậm đến nhanh ...Trong lĩnh vực cảm thụ phải đi từ cảm giác tới xúc giác , từ tổng thể  tới chi tiết , từ bên ngoài tới sâu sắc bên trong ,từ trữ tình tới kịch tính (kể cả lĩnh vực kỹ thuật thanh nhạc đến nghệ thuật ). Những nguyên tắc trên phải được thực hiện một cách nghiêm túc trong suôt quá trình học tập và biểu diễn.

Bước 2: Vỡ bài (hình thức Đơn ca): vỡ bài , xác định giọng nhịp , dựng kỹ thuật ( luyện tập hơi thở , vị trí âm thanh , âm khu ,âm vực ,âm sắc ) luyện tập các kỹ thuật thanh nhạc phù hợp với từng tác phẩm cụ thể. Người ta thường nói (tác phẩm nào có cách hát nấy). Đối với hình thức(hát  hợp xướng) giảng viên tiến hành phân chia giọng,chia  bè phù hợp từng  giọng đã được xác định trên lớp. Các bè  được phân công luyện tập dưới sự hướng dẫn của các giảng viên. Yêu cầu (hát đúng nhạc, đúng bè, đúng  kỹ thuật biết hát hòa bè).

Bước 3: Ghép lời ca: sau khi vỡ bài hoàn chỉnh giáo viên cho sinh viên (đọc chậm  lời ca) xong  ghép lời với nhạc yêu cầu phải chính xác giai điệu. 

 Bước 4: Ghép nhạc: sau khi luyện tập nhuần nhuyễn tác phẩm, sinh viên ghép với nhạc đệm ( có thể là phần đệm piano, hoặc dùng nhạc beat hoặc lấy học sinh chuyên nghành organ tự  đệm)  sắp xếp vị trí biểu diễn trên sân khấu.

Bước 5: Chạy sân khấu, khớp  kịch bản âm thanh, ánh sáng: sau khi tác phẩm hoàn thiện  về nội dung, kỹ thuật thanh nhạc sinh viên được thực diễn trên sân khấu với đầy đủ trang phục, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng. Chương trình biểu diễn nghệ thuật bước đầu được hoàn thiện trong sự kết hợp đầy đủ giữa biểu diễn, hóa trang, ánh sáng, âm thanh và thiết kế sân khấu.

Bước 6: Tổng duyệt :

Chương trình được chạy tổng thể như biểu diễn thật với tất cả những điều kiện thực tế của quá trình thực hành  biểu diễn. Sau chương trình, giảng viên, đạo diễn cần làm tốt công tác phân tích các lỗi cho sinh viên và rút kinh nghiệm để hoàn thiện chương trình báo cáo một cách hoàn thiện nhất. Đây là bước vô cùng quan trọng không thể thiếu trong quy trình thực hành biểu diễn nghệ thuật, đây là  một chu trình khép kín của một công việc cụ thể. 

Bước 7: Thực hành báo cáo chương trình:
Buổi báo cáo được diễn ra nghiêm túc, trang trọng , ý nghĩa với các tiết mục đã được chuẩn bị chu đáo của giảng viên và sinh viên  trong một kỳ học  với sự giám sát của Ban giám hiệu nhà trường, phòng đào tạo và nghiên cứu khoa học , Khoa âm nhạc, các giảng viên trong toàn trường là một trải nghiệm nghề nghiệp đặc biệt hữu ích với sinh viên. Những ánh mắt rạng ngời trên sân khấu sinh viên như hào hứng , mong chờ được thể hiện mình trên sân khấu, muốn được hát , được diễn,  điều  đó sẽ tiếp thêm động lực, ý chí, niềm khao khát đam mê nghề nghiệp của sinh viên trong nhà trường nói chung và sinh viên chuyên nghành thanh nhạc nói riêng. Kết thúc buổi báo cáo, Ban giám hiệu sẽ nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm để sinh viên tiếp tục hoàn thiện trong những lần biểu diễn  tiếp theo. Đây là một trải nghiệm nghề nghiệp thật sự bổ ích đối với sinh viên  mà không một giờ dạy lý thuyết hoặc thực hành bộ phận nào trên lớp có thể mang lại cho sinh viên.

Tiến hành đổi mới nội dung, hình thức và tổ chức cách thực hành nghề nghiệp có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình thúc đẩy chất lượng đào tạo chuyên ngành thanh nhạc. Đối với sinh viên, các em có cơ hội được thực hành nhiều hơn trên sân khấu; phát huy được tính tích cực, sáng tạo trong biểu diễn nghệ thuật; rèn luyện tính kiên trì, tự học; tăng cơ hội được trải nghiệm, học hỏi, giao lưu với thầy cô và bạn bè; nâng cao kỹ năng thực hành nghề nghiệp; kỹ năng làm việc nhóm. Cũng thông qua hoạt động này, mỗi giảng viên được trải nghiệm nhiều hơn, có thêm kinh nghiệm về biểu diễn, nâng cao năng lực sư phạm, củng cố phương pháp giảng dạy và phát hiện nhiều sinh viên có năng khiếu đặc biệt để bồi dưỡng và phát triển thành những tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật. Với nhà trường, chất lượng đào tạo chuyên nghành thanh nhạc sẽ từng bước được nâng cao, khẳng định bề dầy truyền thống, đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn trong thời kỳ mới.
 
Học sinh Hoàng Thị Thảo chuyên ngành thanh nhạc năm thứ 2
 với tiết mục Nhớ Anh Giải phóng quân – Lưu Nhất Vũ
 
Tiết mục hợp xướng “Follow the drinking gourd” tác giả Jay Althouse

Kết luận

Đổi mới căn bản và toàn diện là định hướng đúng đắn, tất yếu của ngành Giáo dục, đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đối với trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định, đây vừa là mệnh lệnh, vừa là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn nhằm hướng tới mục tiêu và sứ mệnh trong đào tạo của nhà trường. Là một trong những chuyên ngành nòng cốt trong sứ mệnh chung, đổi mới thực hành nghề nghiệp thanh nhạc cần phải trở thành khâu đột phá, có tác dụng thúc đẩy các lĩnh vực khác. Xuất phát từ những cơ sở lý thuyết sư phạm học và những vấn đề được tổng kết trong thực tiễn đào tạo, việc đổi mới thực hành nghề nghiệp trong đào tạo thanh nhạc cần phải được tiến hành quyết liệt ,đồng bộ bền bỉ trong suốt quá trình đào tạo của nhà trường  về cả phương diện tuyển sinh, chương trình, hình thức, nội dung cho đến quy trình thực hiện, trong đó tư tưởng xuyên suốt là tăng cường trải nghiệm thực tế cho sinh viên thông qua hoạt động nghề nghiệp. Hoạt động thực hành nghề nghiệp là con đường ngắn nhất, tối ưu nhất, hiệu quả nhất để những năng lực, phẩm chất nghề nghiệp của người nghệ sĩ trong tương lai được hình thành, định hình và phát triển.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Văn Huyên (chủ biên) (2002), Giá trị truyền thống trước những thách thức của toàn cầu hóa, NXB CTQG, Hà Nội. 
2. Trần Khánh Đức (2010), Giáo trình Sự phát triển các quan điểm giáo dục, NXB ĐHQG Hà Nội. 
3. Phạm Minh Hạc (1996), Một số vấn đề về giáo dục và khoa học. Nxb Giáo dục.
4. Hoàng Trung Học, (2011), Một số đặc điểm tâm lý trong định hướng nghề sư phạm của sinh viên, Tạp chí khoa học “Người giáo viên thế kỷ 21” (thuộc danh mục VAK), Max-cơ-va, Liên Bang Nga
5. Hoàng Trung Học, (2011), Mối quan hệ giữa các thuộc tính của khí chất và định hướng nghề của sinh viên sư phạm, Tạp chí khoa học “Thông tin khoa học” (thuộc danh mục VAK), Max-cơ-va, Liên Bang Nga.
6. Hoàng Trung Học, (2011), Mối quan hệ giữa tự đánh giá các phẩm chất có ý nghĩa đối với nghề và định hướng sư phạm, Tạp chí khoa học “Khoa học và nhà trường” (thuộc danh mục VAK), Max-cơ-va, Liên Bang Nga. 
7. Phan Trọng Ngọ (2003), Các lý thuyết phát triển tâm lý người, NXB Đại học sư phạm Hà Nội.
8. Nguyễn Thị Thành (2005), Các biện pháp tổ chức HĐGDNGLL cho thiếu niên THPT, Luận án Tiến sỹ. 
9. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc .NXB Bộ văn hóa thông tin , Nhạc viện hà nội –Viện Âm nhạc.
10. Nghị quyết số 29-NQ/TW của ban chấp hành Trung Ương Đảng về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
11. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020”.

 

Tác giả bài viết: Th.s. Hoàng Thị Cúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đường dẫn
Liên kết đào tạo
Văn bản mới

PTS2024

Phiếu đăng ký tuyển sinh năm 2024

Lượt xem:842 | lượt tải:254

129/QĐ-TCĐVHNT&DL

Quyết định ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023

Lượt xem:632 | lượt tải:0

2222/QĐ-TTg

Quyết định số 2222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Lượt xem:538 | lượt tải:0

15/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT

Lượt xem:1123 | lượt tải:335

05/2022/TT-BLĐTBXH

Thông tư 05/2022/TT-BLĐTBXH

Lượt xem:1113 | lượt tải:286
Thống kê
  • Đang truy cập136
  • Hôm nay18,141
  • Tháng hiện tại356,074
  • Tổng lượt truy cập9,298,864
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây