HƯỚNG ĐI NÀO CHO ĐÀO TẠO NGÀNH NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN CHÈO SAU ĐẠI DỊCH COVID-19
Thứ năm - 31/03/2022 04:54
Sau hơn 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên phạm vi toàn quốc. Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn và tàn phá hầu hết tất cả các lĩnh vực của đời sống trong đó có giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục nghệ thuật nói riêng.
Trong bối cảnh dịch bệnh, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, phương thức giảng dạy cũng thay đổi liên tục theo sự tiến triển của dịch bệnh, kiến thức hầu hết chỉ tập trung vào phần cốt lõi của chương trình, học sinh sinh viên không được tới trường trong một thời gian dài, việc học trực tuyến được xem là giải pháp “cốt lõi” để tăng khả năng thích ứng cho người dạy và người học. Tuy nhiên giải pháp này vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức cho giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục nghệ thuật nói riêng. Nhìn vào thực trạng hơn 2 năm qua các cơ sở giáo dục đào tạo nghệ thuật đã phải gồng mình chống chọi trong điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, chưa đáp ứng được với sự thay đổi của một phương thức giảng dạy mới so với cách dạy truyền thống đã tồn tại nhiều năm qua, mặt khác tâm lý của người dạy và người học chưa hoàn toàn chuyển trạng thái từ “chủ động” sang “bị động” để tiếp cận với một hình thức giảng dạy mới, chưa kể đến giảng dạy nghệ thuật, một loại hình đào tạo đặc thù. Những khó khăn thách thức còn xuất phát từ chính sự “đặc thù” đó và không chỉ dừng lại ở giai đoạn Covid-19 đang tồn tại mà kể cả sau đó vẫn rất cần có một hướng đi phù hợp, sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ tiếp diễn.
Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Nam Định hiện đang đào tạo 9/15 ngành liên quan đến nghệ thuật, trong đó có 03 ngành trọng điểm cấp quốc gia: Thanh nhạc; Nhạc cụ truyền thống và Ngành nghệ thuật biểu diễn Chèo.
Trong phạm vi bài viết tôi xin nêu cụ thể những khó khăn và thách thức trong công tác đào tạo ngành Nghệ thuật biểu diễn Chèo và hướng đi trong thời kỳ hậu Covid-19.
1/ Thực trạng nghệ thuật sân khấu Chèo và công tác đào tạo tại tỉnh Nam Định
* Thứ nhất
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, suốt hơn 2 năm qua đã làm tê liệt hầu hết các hoạt động của các loại hình nghệ thuật trong đó có sân khấu nói chung và sân khấu Chèo nói riêng, một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ. Nam Định là một tỉnh có nhiều lễ hội cổ truyền gắn liền với 2 trung tâm lễ hội lớn của cả nước là “Lễ hội Phủ Dày” (Tháng 3 âm lịch) và “Lễ hội Đền Trần” (Tháng 8 âm lịch). Tại đây các hoạt động văn hoá nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu Chèo và hát văn hầu đồng liên tục sáng đèn từ tháng tám năm trước đến tháng năm năm sau, chưa kể đến các chương trình biểu diễn phục vụ quần chúng nhân dân và phục vụ các nhiệm vụ chính trị trong và ngoài tỉnh. Dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động văn hoá, văn nghệ nói chung và biểu diễn nghệ thuật sân khấu chèo nói riêng ban đầu hoạt động cầm chừng, chia các nhóm nhỏ lẻ, rồi dừng hẳn suốt một thời gian dài.
Bức tranh ảm đảm của sân khấu Chèo cộng với chế độ đãi ngộ nghệ sĩ kém, rất nhiều NSƯT, NSND vẫn là diễn viên hạng 2, hạng 3 với mức lương và chế độ ưu đãi nghề thấp … bởi vậy ngành Nghệ thuật biểu diễn Chèo thuộc khoa Sân khấu nhà trường nhiều năm gặp khó khăn nghiêm trọng trong khâu tuyển sinh. Tuyển sinh đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh và thực tế khi HSSV ngành Chèo ra trường khó sống nổi bằng nghề là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc người học không mặn mà với ngành nghề, hệ luỵ trước mắt là thiếu hụt lực lượng kế cận, khó đào tạo, giữ chân diễn viên trẻ tài năng.
* Thứ hai
Học tập là một quá trình để người học liên tục tích luỹ kiến thức, tuy nhiên trải qua bốn “làn sóng” của đại dịch, việc dạy và học trong nhà trường không ít lần bị gián đoạn. Sự thay đổi phương thức giảng dạy, chuyển hình thức học tập từ trực tiếp sang gián tiếp đã gặp không ít những khó khăn cho cả người dạy và người học. Chưa có một cuộc khảo sát và thống kê một cách toàn diện để đánh giá chất lượng cụ thể, chi tiết từng ngành nghề, song chắc chắn sự thay đổi liên tục chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo để thích ứng với điều kiện bùng phát của dịch bệnh trong hơn 2 năm qua đã tác động không nhỏ đến chất lượng đào tạo của tất cả các ngành nghề, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn Chèo, bởi tính chất truyền nghề, truyền lửa trực tiếp và sự tương tác không thể thiếu được giữa người học và người dạy trong quá trình đào tạo.
* Thứ ba
Một hệ quả không dễ nhìn thấy của đại dịch nhưng lại gây nên những tác động lâu dài cho HSSV, bởi sau một thời gian dài không đến trường tâm lý, ý thức, thái độ học tập có phần chểnh mảng, thụ động. Yếu tố này không dừng lại ở HSSV mà xuất hiện ngay cả trong đội ngũ nhà giáo và phụ huynh học sinh. Mặt khác, sau 2 năm đại dịch bùng phát và chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực đã phần nào làm cho nền kinh tế xã hội cũng như kinh tế tư nhân gặp không ít khó khăn. Xu hướng học tập ngắn hạn (bồi dưỡng) và nhu cầu muốn tìm một công việc đơn giản để có ngay thu nhập được nhiều gia đình và lớp trẻ quan tâm nhằm bù đắp những thiếu hụt về kinh tế cũng như giải quyết việc làm trước mắt. Tuyển sinh vào ngành nghệ thuật biểu diễn truyền thống nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng thực sự là một ngành học khó tuyển sinh, bởi thời gian học tập lâu dài, cần có sự nỗ lực, sáng tạo và chuyên tâm song tương lai thì chưa biết đi về đâu trong một bức tranh ảm đảm về văn hoá nghệ thuật thời kỳ Covid-19 và hậu Covid-19. Đây cũng là một vấn đề băn khoăn, trăn trở không chỉ đối với các cơ sở đào tạo, với các đoàn, các nhà hát nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp, bởi sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng kế cận, mà hệ quả là sự mai một đáng báo động đối với một loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời, đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, vì vậy rất cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, cùng với hệ thống các chế độ, chính sách, đãi ngộ nhằm động viên, khuyến khích HSSV và chính sách thu hút tài năng sau khi HSSV ngành Chèo ra trường, để bảo tồn và phát triển văn hoá nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng phù hợp với chủ trương, định hướng “Đào tạo văn hoá nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phục hồi sau đại dịch Covid-19”.
Có thể nói dịch bệnh đã xảy ra trong bối cảnh kỷ nguyên số, đã dẫn tới nhiều thay đổi trong cách thích ứng, vận hành của các cơ sở đào tạo: Từ chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng “mở” và linh hoạt thay đổi căn bản về phương pháp, hình thức đào tạo từ “trực tiếp” sang “trực tuyến”, từ “bị động” sang “chủ động” … Dù đã có nhiều điều chỉnh và giải pháp kịp thời của các cơ sở đào tạo trong thời gian qua nhưng không thể phủ nhận chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng nhiều bởi chưa có một sự chuẩn bị dài hơi mang tính chiến lược, đồng bộ ứng phó với đại dịch … Từ những vấn đề thực tiễn trên, hướng tới mục tiêu “Đào tạo văn hoá nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập và phục hồi sau đại dịch Covid-19” cần có một số giải pháp sau:
2/ Những giải pháp cụ thể
* Thứ nhất
Cần xây dựng kế hoạch, định hướng cụ thể chi tiết cho việc chuẩn bị cơ sở vật chất trên nền tảng công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục nghệ thuật. Xây dựng mạng lưới công nghệ thông tin giữa các cơ sở đào tạo văn hoá nghệ thuật từ trung ương đến địa phương nhằm trao đổi kinh nghiệm, phối hợp đào tạo trên nền tảng “Dữ liệu mở” tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục nghệ thuật vùng miền, trong nước khu vực và quốc tế. Không thể phủ nhận được thực tiễn đào tạo 2 năm qua, tâm lý cho rằng việc dạy học trực tuyến chỉ là “giải pháp tình thế” trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Tuy nhiên cần có một góc nhìn cởi mở và thực tế hơn, bởi không chỉ đến khi dịch bệnh diễn ra thì việc chuyển đổi số mới bắt đầu được triển khai mà nó đã và đang là xu hướng tất yếu trong sự phát triển của giáo dục nghệ thuật hiện đại, vì vậy dịch bệnh chỉ là bối cảnh, là “cú huých” để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghệ thuật được nhanh hơn hay nói cách khác là chuyển đổi tư duy tiếp cận từ “giải pháp tình thế” sang “giải pháp cốt lõi”, phù hợp và hội nhập với xu thế chung trong giáo dục nghệ thuật hiện đại, vì thế ngay lúc này các cơ sở giáo dục nghệ thuật cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ từ cơ sở vật chất, tư duy của người dạy và người học, những chủ trương chính sách, ưu đãi, khuyến khích, thu hút tài năng cũng như một lộ trình cụ thể, khoa học trong công tác đào tạo “đặc thù” của loại hình nghệ thuật biểu diễn Chèo, đang có nguy cơ bị mai một và là một ngành nghệ thuật truyền thống thuộc một trong những ngành khó tuyển sinh.
* Thứ hai
Cần thay đổi chương trình đào tạo nghệ thuật biểu diễn Chèo theo hướng “mở” nghĩa là HSSV có thể tiếp cận thực tiễn tại các đoàn, các nhà hát vào bất kỳ thời điểm nào khi các đơn vị nghệ thuật có hoạt động, tránh lối mòn đưa học sinh sinh viên đi thực tập thực tế theo kế hoạch năm học nhằm tạo hứng thú và được thực hành ngay khi còn đang trong quá trình học tập, thực tế một số năm qua HSSV ngành Chèo đi thực tế thực tập, thực hành biểu diễn tại các đoàn nghệ thuật, các nhà hát theo kế hoạch đào tạo, song rơi vào thời điểm đoàn không có hoặc ít hoạt động vì thế HSSV hầu hết không được tham gia hoạt động trực tiếp, mặt khác cần giảm khối lượng kiến thức lý thuyết, tăng khối lượng kiến thức thực hành, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của HSSV trong quá trình tham gia học tập. Như vậy, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ sở đào tạo với các Nhà hát, các Đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh trên nhiều phương diện giảng dạy, thực tập, thực tế, xây dựng, chỉnh sửa chương trình đào tạo, giảm thiểu tối đa “khoảng cách” giữa kiến thức trong nhà trường và nhu cầu thực tiễn tại các đơn vị sử dụng lao động.
* Thứ ba
- Cần bổ sung ngay nội dung, phương pháp, kỹ thuật dạy học trực tuyến cho người dạy và người học song song với việc tuyên truyền, phổ biến kỹ năng phòng chống dịch. Bên cạnh đó cần bồi dưỡng cho cán bộ quản lý các kỹ năng quản lý rủi ro, xử lý tình huống, kỹ năng đánh giá các nguy cơ về sức khoẻ của người học trong bối cảnh xã hội nhiều tiềm ẩn dịch bệnh hiện nay. Xác dịnh đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện ngay và hướng tới trong tương lai để hoàn toàn chủ động công tác đào tạo trong bất kì tình huống nào.
- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trên nhiều phương diện giữa gia đình, nhà trường, HSSV, xã hội, với các đơn vị nghệ thuật nhằm kết nối, chia sẻ thông tin đa chiều, tạo niềm tin và sự an tâm trong một môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh và an toàn.
Tác giả bài viết: TS. Trần Hải Minh Hiệu trưởng trường Cao đẳng VHNT&DL Nam Định